Thứ Tư, 4 tháng 3, 2015

CHAN NUOI BO THIT

Chăn nuôi bò thịt hiệu quả, bền vững
Theo số liệu của Sở NN-PTNT, tổng đàn bò thịt trên địa bàn tỉnh trên 252.400 con, trong đó bò lai chiếm 76%. Hiện cả tỉnh có khoảng 100 ngàn hộ nuôi bò, hộ nuôi từ 1-2 con chiếm phần lớn (61,82%), từ 3-5 con chiếm 32,14%, từ 6-9 con chiếm 5,06%, trên 10 con chiếm 0,98%...
Bò nuôi trong mô hình bò thịt chất lượng cao ở Vĩnh Thạnh. Ảnh: Xuân Dũng
Năm 2014, số lượng bò thịt xuất chuồng 137.158 con, sản lượng thịt bò hơi đạt trên 26.904 tấn, trọng lượng xuất chuồng bình quân trên 196 kg/con. Trọng lượng bình quân bò xuất chuồng không cao do nông dân nuôi nhiều bò sinh sản và bán bê giống từ 6-10 tháng tuổi có trọng lượng từ 80-150 kg/con. Nếu nuôi trên 2 năm tuổi mới xuất bán, trước khi xuất bán vỗ béo khoảng 3 tháng thì trọng lượng đạt từ 300-350 kg/con, hiệu quả kinh tế cao hơn.
Với lợi thế về nguồn thức ăn cho bò chủ yếu là các phụ phẩm nông nghiệp (rơm, rạ, lá cây bắp, thân lá cây đậu phụng sau thu hoạch...), cỏ, các loại thức ăn thô xanh, thức ăn tinh bổ sung chiếm tỉ lệ rất thấp, chi phí chuồng trại và thú y phòng trị bệnh không lớn, sản phẩm tiêu thụ dễ dàng, chăn nuôi bò đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, tạo công ăn việc làm và thu nhập đáng kể cho người chăn nuôi. Với giá bán hiện nay từ 75.000 - 85.000 đồng/kg bò hơi, người nuôi thu được hàng chục triệu đồng khi bán một con bò. Phương thức chăn nuôi bò tại nông hộ cũng đang chuyển dần từ chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi bán thâm canh và thâm canh, chăn nuôi quy mô trang trại.
Theo Sở NN-PTNT, thời gian tới, để đàn bò trên địa bàn tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, cần đẩy mạnh chương trình cải tạo đàn bò địa phương thông qua phương pháp thụ tinh nhân tạo hoặc phối giống trực tiếp với bò đực giống lai, phát triển giống bò thịt lai có tỉ lệ từ 75% máu ngoại trở lên. Chuyển đổi một số diện tích canh tác sang trồng cây thức ăn cho bò; xây dựng các mô hình trồng cỏ thâm canh năng suất cao. Đào tạo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi bò cho cán bộ khuyến nông và nông dân; đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật và tay nghề đội ngũ dẫn tinh viên và thú y viên cơ sở; khuyến khích hình thành các nhóm hộ chăn nuôi bò (dạng liên minh sản xuất) gắn với thị trường tiêu thụ (dạng chuỗi giá trị gia tăng) nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và hiệu quả kinh tế chăn nuôi bò.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét